Sơ lược về mô hình:
– Khởi nghiệp: Yeon Hyun Joo (연현주), 26 tuổi
– Tên doanh nghiệp: Nông trường Hak-ba-wi (학바위 목장)
– Mô hình: Đầu ra sữa bò từ trang trại gia đình gặp khó khăn, con gái gái út tìm cách xoay xở, mỗi người trong gia đình một tay giúp đỡ, cửa hàng Creek Yogurt ra đời.
– Thành lập: Tháng 12/2021
– Địa điểm: Nằm tại quận Cheung Pyeong tỉnh Jung Buk[footnote]충북 증평군[/footnote], cách Seoul khoảng 130km về phía nam.

(Nguồn ảnh: 학바위 목장)
1. Khó khăn, bất cập tại ngành sữa của Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, tính đến T7/2023, dưới ảnh hưởng của Hiệp định tự do thương mại (FTA)[footnote]Hàn Quốc dự kiến áp dụng đến 2026[/footnote], các sản phẩm sữa và chế biến từ sữa đang bị canh tranh mạnh từ nguồn cung nhập khẩu, trong đó lớn nhất có thể kể đến cạnh tranh sản phẩm sữa của các nước châu Âu.
Mặc dù FTA vốn dĩ được sinh ra để ổn định, điều chỉnh giá/lượng tiêu thụ một sản phẩm nhập khẩu nào đó, từ đấy tạo điệu kiện có lợi cho sản phẩm nội địa hoặc thậm chí ổn định cung cầu trong nước.
Tuy nhiên, một số trường hợp, để thúc đẩy quá trình thương mại giữa 2 hoặc nhiều nước, các chính sách miễn/giảm thuế, giảm tiêu chuẩn kiểm tra,… sẽ được áp dụng, điều này đôi khi lại khiến cho sản phẩm nhập khẩu từ nước khác có giá nhẹ hơn, tăng sự cạnh tranh cho các sản phẩm nội địa.
Trường hợp của Hàn Quốc cũng vậy, ảnh hưởng của FTA làm nhu cầu tiêu dùng sữa và các sản phẩm sữa nội địa Hàn Quốc bị giảm xuống. Nghiệt một nỗi, giá thành nguyên phụ liệu trong ngành này lại tăng cao do các vấn đề về khí hậu, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai liên tục xảy ra từ 2019 đến nay.

(Nguồn 농수축산신문)
Chưa hết, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Ngành nghề nào cũng vậy, đăng sau bề nổi hào nhoáng lành mạnh sẽ có những mặt khuất làm mất lòng người.
Các sản phẩm nông nghiệp thô thông thường sẽ có các kênh phân phối khá đa dạng, ví dụ như: siêu thị, liên kết công ty/hiệp hội, chợ bán lẻ, Flea Market, nhà hàng, khách sạn,… Tuy nhiên, đặc thù của sữa thô lại không như vậy.
Cụ thể tại Hàn Quốc, các nông trường sản xuất sữa thô chỉ có 2 kênh tiêu thụ. Một là liên kết với các Hợp tác xã[footnote]협동조합, ví dụ như Hợp tác xã Sữa Seoul[/footnote] để sản xuất. Hai là kí hợp đồng với các Doanh nghiệp gia công và phân phối sữa khác.
Với 2 kênh phân phối này, các nông trường nuôi bò sữa sẽ phải ký với bên phân phối “hợp đồng Quoto” quy định trước về sản lượng, chất lượng và giá cả. Hợp đồng Quoto này có xuất phát từ thuật ngữ “Quoto system”, nói nốm na là hạn ngạch của một loại sản phẩm. Hợp đồng này lúc đầu được sinh ra để đảm bảo quyền lợi, ổn định đầu ra cho các nông trường sản xuất sữa.

Và câu chuyện về Hợp đồng Quoto sẽ rẽ sang hướng khác như thế này. Khi cầu tăng cao, nông trường đầu tư mạnh về thiết bị vật tư, con giống, chuồng trại, đồng cỏ,… Nhờ đó mà năng lực sản xuất của nông trại bò sữa được nâng cao và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng.
Thế nhưng khi cầu giảm, các nông trại có năng lực sản xuất tốt không lẽ lại tạm giảm công suất!? Bò không thể ngừng nuôi, đất không thể bỏ trống, thiết bị không thể rút phích cắm và đem cất vào kho được.
Thế là câu chuyện sản lượng sữa bị thừa dần xuất hiện, cho dù hợp đồng Quoto có được ký lại lần nữa thì người chịu kèo dưới vẫn là nông trường chứ không phải bên phân phối.
Quay lại với nhân vật chính trong mô hình hôm nay, nông trường Hak-ba-wi, cứ mỗi lít sữa sản xuất dư so với hợp đồng Quoto, họ chỉ có 2 phương án xử lí cho tình hướng này, một là bán cho bên phân phối giá 100 won/lít (khoảng chưa đến 2,000 VND/lít sữa thô), hai là đổ bỏ.
Đôi khi, nông trường Hak-ba-wi còn bị thương lái viện cớ kém chất lượng, ép giá đầu ra. Và dĩ nhiên, chứng nhận về chất lượng sữa thô, đâu phải phía nông trường muốn chứng minh là chứng minh được.
Chính vì thế, trực tiếp hiểu được khó khăn của cha mẹ mình (những người đang vận hành nông trại bò sữa), Yeon Hyun Joo, con gái út 26 tuổi, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh nông thủy sản đã mạnh dạn học thêm kiến thức về Cách mạng nông nghiệp 6 bậc[footnote]6차 산업, đây là một thuật ngữ của Hàn Quốc, ý chỉ giai đoạn kết hợp nông nghiệp sản xuất đơn thuần + chế biến + trải nghiệm văn hóa[/footnote], đã mạnh dạn đề xuất và giúp gia đình tìm hướng đi mới để giải quyết các khó khăn kể trên.

2. Sự ra đời và ý tưởng về Creek Yogurt (sữa chua Hy Lạp)
Cái khó ló cái khôn là câu nói có thể tóm gọn cho trường hợp của mô hình này.
Yeon Hyun Joo là con út trong gia đình 3 anh chị em. Người anh cả thì cùng bố mẹ quản lí nông trại bò sữa. Còn lại hai chị em thì đứng ra khởi nghiệp với ý tưởng sữa chua Hy Lạp.
Trong quá trình học tập, người em út (cũng là Giám đốc đại diện sau này) nhận thấy tiềm năng về các lợi ích sức khỏe của Creek Yogurt, đồng thời có thể tận dụng lượng sữa bò sản xuất dư của trang trại gia đình nên cô bắt đầu vạch kế hoạch và đề xuất với bố mẹ.
Bố mẹ của Hyun Joo rất đồng tình và ủng hộ kế hoạch này. Nhờ đó cô có thêm động lực để bắt tay thực hiện. Tuy rất được ủng hộ nhưng Hyun Joo không khởi nghiệp ngay mà bắt đầu trước với môt công việc làm thêm tại một tiệm bánh. Quá trình này cũng vừa để cô tích lũy kinh nghiệm, hiểu được cảm giác của ngành dịch vụ.
3. Tìm vị trí và các kế hoạch gây dựng bước đầu
Bước đầu, Hyun Joon xác lập đối tượng khách hàng chính của mình là thế hệ Gen Z.
Sau thời gian mày mò tự lập công thức làm Creek Yogurt của riêng mình, cô bắt đầu tìm cách để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên nhận thức của mọi người lúc này về Greek Yogurt vẫn chưa phổ biến, những tiềm năng về sức khỏe của loại thức phẩm này cũng chưa thật sự được lan tỏa. Thậm chí mọi người cũng chưa biết Creek Yogurt có gì khác với các loại sữa chua thông thường hay không.
Dưới sự tư vấn của anh trai cả, Hyun Joon đã tìm đến các hợp tác xã, hội nhóm nông dân trẻ, sau đó tất cả cùng nhau tổ chức một buổi hội chợ nông nghiệp tại khu vực địa phương. Mục đích chính của buổi hội chợ này là cô muốn xem phản ứng của người tiêu dùng với sản phẩm của mình, từ đó tìm ra công thức sữa chua mới phù hợp hơn.
Thêm nữa, vì sữa chua Hy Lạp vốn có hàm lượng protein cao gấp 3 lần so với sữa chua thông thường, nên cô cũng hy vọng qua Hội chợ lần đó để mọi người có thể cảm nhận rõ độ béo, đầm, thơm ngon của sản phẩm.

Tiếp đến là bước chọn vị trí đặt cửa hàng. Nơi mà Hyun Joon chọn là một góc ngã 3 với 2 mặt tiền. Đối diện quán là 1 trường tiểu học tại địa phương. Đặc biệt, ngay liền kề trường tiểu học này lại là 2 ngôi trường khác. Một là trường trung học, còn lại là trường phổ thông. Toàn bộ cả 3 trường đều là trường công của địa phương.
Vậy đó, cửa hàng của cô tập trung vào đối tượng Gen Z, và bây giờ nó lại nằm ngay trục đường của 3 ngôi trường lớn của địa phương. Mặc dù chi phí mặt bằng này sẽ rất cao, tuy nhiên nên nhớ, mặt bằng là yếu tố gần như quan trọng nhất của một cửa hàng.

Sau cùng, với số vốn ít ỏi của mình, đương nhiên cô không thể tự mình chu toàn hết giai đoạn khởi nghiệp lúc đầu. Do đó, giống như bao người trẻ khởi nghiệp khác, cô nhận trợ giúp từ bố mẹ. Nhờ vào sự hỗ trợ vốn này, một số linh kiện máy móc, dụng cụ trong cửa hàng đã được trang bị.


(Nguồn ảnh 명꿍이 블로그)
4. Quan trọng nhất, đưa sản phẩm đến tay người tiêu thụ
Dù sản phẩm của bạn có tốt như thế nào đi nữa, nhưng nếu không đến được tay khách hàng, đồng nghĩa với việc không có lợi nhuận, như vậy có nghĩa là bạn đã thất bại.
Đến đây thì người chị giữa bắt đầu ra tay. Người chị giữa vốn có tính tình thoải mái, thân thiện nên bạn bè rất nhiều. Với sự yêu quý của bạn bè, từng người đã đến ủng hộ, review và đăng tải các hình rảnh với cách bài trí rất đẹp lên Mạng xã hội.
Dần dần tin tốt cũng được lan rộng, các giáo viên, phụ huynh học sinh cũng bắt đầu quan tâm và ghé đến cửa hàng.


5. Nét đặc biệt của Creek Yogurt tại cửa hàng “Nông trường Hak-ba-wi”
Lúc đầu, Creek Yogurt của Hyun Joon chỉ có mùi thơm béo nguyên thủy, ít ngọt, đậm protein, ít carb như các loại Creek Yogurt truyền thống. Lí do cô không thêm đường hoặc các phụ gia bảo quản có thể kể ra như sau:
– Muốn giữ được mùi vị nguyên thủy
– Tối giảm chi phí
– Quãng đường vận chuyển sữa từ nông trại đến cửa hàng chỉ mất 15 phút nên không cần thêm đường để sữa được bảo quản lâu.
– Dịch vụ vận chuyển tại Hàn Quốc thường chỉ mất tối đa từ 2~3 ngày, nên trong điều kiện bảo quản lạnh, sữa chua của cô vẫn được đảm bảo chất lượng.

Nhưng dần dần, vì thị hiếu khách hàng vẫn là thích ngọt, nên cô phải tìm cách để vừa giải quyết được độ ngọt, nhưng vẫn phải đảm bảo được phương châm ban đầu là tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người có bệnh nền về đường huyết.
Và giải pháp mà Hyun Joon lựa chọn chính là Stevia, một loại cỏ ngọt thuộc họ cúc, được sủ dụng như một loại gia vị tự nhiên, giúp tăng vị ngọt cho sữa chua nhưng lại giúp làm giảm đường huyết. Vì thế, Hyun Joon đã giúp cho những người thường lo về đường huyết có thể tận hưởng các món ăn ngọt.

Các món ăn, thức uống tại cửa hàng “Nông trường Hak-ba-wi” hiện nay rất đa dạng như: sandwitch, bánh mì, sữa tươi, sữa pha chế, Creek Yogurt, cà phê,…
Thậm chí, nhiều người cũng đã ngỏ lời muốn đặt mua sữa thêm tại Nông trường của bố mẹ cô. Đây là kết quả của quá trình Branding tốt, nâng cao thương hiệu sữa của gia đình, tăng mức độ nhận diện thương hiệu.
Thậm chí, còn có người ngỏ lời muốn được hợp tác mở chi nhánh cùng cô. Tuy nhiên, đứng trước đề nghĩ này cô vẫn còn suy nghĩ. Riêng UncleThink tuy thấy đây là đề nghị tốt nhưng kết quả vẫn sẽ có những mặt trái.
Một số mặt trái UncleThink có thể kể đến như:
– Cửa hàng nhỏ mới mở, khi có chi nhanh phải có hệ thống đồng bộ chất lượng, phong cách phục vụ
– Vốn dĩ xuất phát từ thương hiệu gia đình, nay nếu mở rộng, đưa người ngoài vào, dần sẽ mất đi giá trị huyết thống, đây có thể coi là một đặc điểm không phải cửa hàng nào muốn là cũng có thể làm được.
Tuy nhiên nhìn lại những gì mà cô gái 26 tuổi Yoon Hyun Joon và gia đình đã làm được thì thật sự đáng ngưỡng mộ.
Bài chia sẻ lần này đến đay là hết. UncleThink hẹn gặp lại mọi người trong bài viết lần tới nhé.