Đọc xong tiêu đề có lẽ mọi người cũng đã nghĩ đến thiên địch. Có thể xem đây là một thuật ngữ đặc trưng cho mối quan hệ “ăn và bị ăn” trong tự nhiên. Trong tự nhiên, phần lớn các mối quan hệ đều là cộng sinh, có lợi cho cả hai đối tượng.
P/s: Một bài viết về mô hình trồng Kiwi, chủ trại chỉ sử dụng hỗn hợp vôi lưu huỳnh + 1 lần phun thuốc duy nhất trong năm, mọi người có thể tham khảo nội dung do UncleThink viết tại Link này nhé!
1. Góc nhìn về thuốc diệt sâu bọ, phân bón hóa học

Hoa màu là thứ thức ăn lành mạnh, thơm ngon và rất cần thiết cho bất kỳ sinh vật nào. Hơn nữa, bản thân hoa màu lại thường không có khả năng tự vệ. Chính vì thế mà ngoài tự nhiên hoa màu rất dễ bị tấn công, và kẻ thù số một của nó chính là sâu bệnh. Có thể xem ‘thơm ngon và không tự vệ’ là yếu điểm thứ nhất, một yếu điểm bẩm sinh của hoa màu.
Không những thế, đứng trước nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, các giống rau củ mới lại được con người lai tạo ngày càng nhiều. Ngay từ lúc còn chưa nảy mầm, các giống rau củ đã được bơm dưỡng trong một môi trường cực kỳ màu mỡ và thuận lợi. Nhờ đó chúng được phát triển một cách nhanh chóng mà không hề gặp một trở ngại nào. Đây bỗng dưng trở thành một yếu điểm thứ hai của rau củ quả, bởi trong một điều kiện thuận lợi như vậy, đề kháng của chúng vốn “yếu” nay lại càng “ớt” hơn.
Chính vì những yếu điểm trên, người ta không còn cách nào khác, buộc phải sử dụng thêm các loại thuốc hỗ trợ để diệt hoặc xua đuổi côn trùng. Từ đó, việc phun thuốc không còn là một lựa chọn nữa, mà đã trở thành một tất yếu trong nông nghiệp. Dần dần, nó được lập ra quy chuẩn, tỉ lệ, liều lượng, chu trình sử dụng, mô hình áp dụng,… Để hiểu thêm về tiêu chuẩn khi dùng các chế phẩm này, bạn có thể tự tìm đọc thêm quy định của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhé. UncleThink sẽ không đi sâu vào nội dung này.

Thực tế mà nói thì không có nhà nông nào muốn dùng thuốc, cũng không có người tiêu dùng thích thực phẩm sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Nhưng thực tế hiện nay, nếu không sử dụng thuốc mà vẫn muốn cho ra hiệu quả tốt thì đây hầu như là điều không thể. Dần dần, việc can thiệp bằng phân bón, thuốc trừ sâu không còn là lựa chọn nữa, mà dần trở thành một phương pháp có tiêu chuẩn hẳn hoi.
Trước đây, khi trồng trọt hoàn toàn thuận theo tự nhiên, thì cứ mùa nào trồng cây đó, và cứ từng hoàn cảnh, điều kiện thì lại có những loại côn trùng, sâu bọ khác nhau. Thế nhưng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, ví dụ sương sương như sở thích ăn rau quả trái mùa, thích đồ còn tươi, không sâu bệnh mà phải giàu dinh dưỡng. Trước những đòi hỏi này, kỹ thuật canh tác nhà kính dần được phổ biến. Mà đã dùng nhà kính thì hầu hết đều có những mô-tuýp thiết bị, kỹ thuật tương đối giống nhau, từ đó lại hình thành những hình thái môi trường giống nhau. Hệ quả là các loại sâu bệnh xuất hiện cũng sẽ tương đối giống nhau.

2. Thiên địch và sâu bọ
Đa số các loại sâu bệnh trong tự nhiên đều tồn tại một hoặc nhiều loại thiên địch nào đó. Và các thiên địch này đôi khi là vi khuẩn, nấm, chim, ếch, nhưng phần lớn rong đó là các loài côn trùng khác. Loài côn trùng tiêu biểu nhất, thường là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong bộ thiên địch nông nghiệp, thân tròn, nhỏ khoảng nửa hạt đậu, chính là ‘bọ rùa’. Ngoài ra, ‘dơi muỗi’ cũng là một loài thiên địch ăn sâu bệnh khá tốt.
Tuy nhiên cả bọ rùa và dơi đều rất khó áp dụng trong thực tế vì khó kiểm soát. Chẳng hạn như bọ rùa thì lại có quá nhiều loại, chỉ những dòng ăn sâu rệp (đặc điểm cánh có màu sắc tươi tắn, bóng loáng, ít chấm đen) thì mới ăn sâu bệnh, còn những dòng khác thì lại ăn hoa màu. Thêm nữa, trong nhiệt độ thường thì sức ăn rệp của bọ rùa sẽ không cao.
Còn đối với “dơi muỗi”, tuy mỗi ngày một cá thể dơi có thể ăn tới 1 ngàn con muỗi, nhưng chủ động sử dụng dơi thì hơi mất cảnh quang, khả năng mang mầm bệnh cao, nhìn khá đáng sợ, làm mất tâm lí, nhiều khi còn cào cấu hư hại rau quả, hoa màu. Nên UncleThink thiết nghĩ chúng ta cứ né dơi ra cho nó đỡ bị đau tim.


Sử dụng thiên địch sẽ tối ưu nhất khi bạn đang sử dụng mô hình dễ kiểm soát ‘ra vào’. Bởi khi sử dụng ở điều kiện ngoài trời 100% thì khả năng thiên địch thất thoát, đi sang nơi khác là khá cao, đôi khi lại gây lỗ vốn vì đầu tư hụt. Vì thế, hầu hết mô hình sử dụng thiên địch sẽ được sử dụng trong môi trường nhà kính.

Một số loài sâu bệnh thường gặp nhất là bọ rệp, ruồi trắng, bọ cánh viền, ruồi ăn nấm. Thiên địch thường được dùng cho ruồi trắng và bọ cánh viền là họ bọ xít ăn mồi, nhện bắt mồi (nhà vườn có thể tham khảo 3 cái tên này Amblyseius swirskii, Neoseiulus californicus, Amblyseius cucumeris).

Đối với ruồi ăn nấm thì có thể sử dụng một loại ve tên Hypoaspis, chúng thậm chí có thể xâm nhập vào lỗ khí để tìm kiếm thức ăn và tiêu diệt bọ. Hypoaspis sẽ tìm kiếm và tìm thấy chúng ở bất cứ nơi nào chúng ẩn náu, điều mà các phương pháp thông thường không thể thực hiện được. Hypoaspis sẽ không tự trở thành loài gây hại vì số lượng của chúng dao động theo con mồi và vô hại đối với trẻ em, vật nuôi khi được sử dụng đúng cách.


3. Dùng thiên địch có lợi gì?
Sử dụng thiên địch thì có lợi gì so với dùng thuốc hóa học?
Thứ nhất, có những loại ve rận, ruồi rất khó trị bằng thuốc. Chẳng hạn trường hợp những loại hoa màu có thân dây leo, tán lá lớn, thì phần lớn thuốc sẽ vướng lại trên mặt lá. Nếu loại thuốc định dùng là loại chỉ phát huy tác dụng khi chạm vào thân sâu rệp thì lần ra quân này của chủ vườn coi như hoàn toàn thất bại. Ngược lại, nếu là thiên địch thì chúng sẽ chủ động, vượt núi cao xuống biển lửa để kiếm ăn, do đó có thể yên tâm về hiệu quả một khi đã chọn đúng loại thiên địch, đúng điều kiện môi trường.
Thứ hai, khi dùng thuốc hóa học trong thời gian dài thì đến một lúc nào đó, sâu bệnh sẽ dần dần kháng với thuốc, lúc này chỉ còn duy nhất cách dùng thiên địch mới vượt được cửa ải.
Thứ ba, dùng thiên địch sẽ đỡ mệt hơn dùng thuốc trừ sâu. Dù là dùng chế phẩm nông nghiệp hay là các phương pháp thân thiện với môi trường đi chăng nữa, một khi đã dấn thân vào nông nghiệp, sẽ có đôi lần bạn phải vào thăm vườn lúc nửa đêm để tiến hành sử dụng (phun, tưới, thả,…) chế phẩm. Ví dụ một nông dân Hàn Quốc trồng dưa hấu trong nhà kính với số lượng 10 căn, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, thì mất tầm 4 tiếng mới phun xong[footnote]Thời gian đưa ra ở đây là tương đối, vì thực tế còn tùy thuộc loại cây, mô hình trồng, diện tích vườn của bạn nữa[/footnote]. Và chi phi của sản phẩm thân thiện môi trường cho mỗi lần khoảng 300.000Won[footnote]tương đương 6 triệu VND, tính tại thời điểm tháng 12/2022[/footnote].
Còn đối với thiên địch, mặc dù khi sử dụng, bạn phải theo dõi sát sao tình hình rau quả và sâu bệnh và chi phí cũng không hề rẻ, thế nhưng bạn sẽ thoát khỏi tình cảnh nửa đếm mò ra vườn và dành vài tiếng để phun thuốc.
Thứ tư, người tiêu dùng (người mua ăn trực tiếp[footnote]còn các doanh nghiệp, nhà hàng có thích hay không thì còn tùy, bởi nó còn chi lí lọ chai này kia nữa[footnote/]) sẽ thích các sản phẩm sử dùng thiên địch hơn là các sản phẩm dùng thuốc. Điều này UncleThink chắc chắn. Tuy nhiên, thực tế chúng ta nên vừa dùng thuốc vừa dùng thiên địch, quan trọng kết hợp cả hai biện pháp làm sao cho hai hòa, đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt đừng để thuốc giết chết cả thiên địch.
4. Banker Plants, giữ chân thiên địch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả
Nói ngắn gọn thì Banker Plants là những loại cây giúp giữ chân thiên địch khi canh tác nông nghiệp. Nếu ở góc nhìn đơn thuần chỉ cần giữ được chân thiên địch thì các loại cây ngoài môi trường tự nhiên đều có thể được xem là Banker Plants, chỉ cần nó có thể cung cấp thức ăn, chỗ trú cho thiên địch là được.

Bạn cũng biết rồi, côn trùng trong thực tế vô cùng đa dạng, thiên địch của chúng rất nhiều và đương nhiên Banker Plants cũng ít không kém. Tuy nhiên, trong canh tác nông nghiệp, để thật sự là một Banker Plants thì cần xét thêm các yếu tố như:
- Có phù hợp làm nhà cho thiên địch không?
- Có dễ trồng, dễ chăm sóc và dễ kiểm soát không?
- Có hiệu quả kinh tế hay không? Có thì càng tốt!
- Có hệ quả phụ nào làm ảnh hưởng đến canh tác chính của vườn không?(Ví dụ như trong vườn dâu tây, ta có thể chọn vài ba góc phù hợp, rồi trồng vài cụm lúa mì, ngô hoặc vừng ở đó, mục đích để làm Banker Plants. Như vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vựa dâu tây của ta.)

5. Kết luận
Trồng trọt thì không tránh khỏi sâu bọ, mà đã có sâu bọ thì hẳn sẽ có thiên địch kéo đến. Đây là quy luật tự nhiên rồi. Điều quan trọng còn lại là bạn có đang áp dụng đúng loại thiên địch, đưa vào đúng thời điểm, giữ chân thiên địch, tạo vòng quay sinh tồn/lưu trú cho thiên địch một cách hợp lí hay không.
Bổ sung kiến thức về thiên địch là rất cần thiết. Bạn hoàn toàn có thể tìm thêm thông tin ở các viện nghiên cứu côn trùng, thậm chí sau khi đã “ưng ý” một loại thiên địch nào đó, bạn hoàn toàn có thể tự làm một bể nuôi nhỏ để theo dõi tập tính, và áp dụng vào mô hình của riêng mình.
Bài viết đến đây là hết rồi, hãy chia sẻ suy nghĩ cho UncleThink nếu bạn muốn nhé!