UncleThink xin giới thiệu đôi nét về mô hình
– Chủ trại: Mr. 최흥병 (Choi Heung Byung)
– Mô hình: Trang trại táo, dịch vụ lưu trú
– Địa điểm: Hàn Quốc
– Kinh nghiệm: 20 năm làm việc tại khách sạn cao cấp. Sau đó tự thành lập và có 16 năm kinh nghiệm quản lí công ty cung cấp dịch vụ khách sạn.

1. Bước chuyển từ dịch vụ sang trang trại
Sau khi thành lập công ty dịch vụ khách sạn, ông thành công trong việc đưa doanh thu công ty đạt trên 10 tỷ Won/năm (khoảng 182 tỷ VND). Khi đang trong thời kỳ đỉnh cao, ông nhượng công ty lại và quyết định bỏ phố về quê. Lúc này, một số người cũng bàn tán: “Để xem ông có thể chống chọi bao lâu tại nông thôn”. Rõ ràng, khiêu khích là việc của mọi người, còn chứng minh giá trị bản thân là việc của mình.
Vì xuất phát điểm của ông là một người tương đối có tiềm lực về kinh tế, nên cách ông tìm nơi xây dựng trang trại cũng nhanh gọn.
Mới đầu, một người trong mối làm ăn trước đây giới thiệu cho ông một trang trại táo “diện tích khoảng 5,000m², chỉ cần tập trung vào chất lượng và tìm cách bán ra thị trường” nên ông trực tiếp đến và xem thêm vài chục vườn táo khác ở khu vực Gyeongbuk[footnote]경북, một tỉnh cách thủ đô Seoul tầm 4~5 tiếng chạy ô tô[/footnote].
Có lần trên đường từ Gyeongbuk trở về Seoul, ông thấy biển quảng cáo “YoungJu – quê hương táo” ngay tại nút giao, thế là cũng tranh thủ, xuống xe và tìm một trung tâm môi giới bất động sản. Tóm lại, để theo đuổi mong muốn trở thành nông dân, ông không chọn cách gầy dựng từ đầu mà mua lại một trang trại táo đã ổn định, rồi tiếp tục điều hành đó.
Sau khi bỏ phố về quê, việc đầu tiên ông làm là thăm hỏi những người lớn tuổi tại Viện dưỡng lão trong địa phương. Ông cũng tích cực tham gia các buổi sinh hoạt tại viện hoặc các công việc cộng đồng của đoàn xã. Cứ thế dần dần, ông trở thành người không thể thiếu khi các lão thành tại viện dưỡng lão tổ chức tiệc tùng.
Người Việt Nam ta cũng có câu “Gừng càng già càng cay”, thế hệ lớn tuổi không chỉ có kinh nghiệm sống phong phú, các kỹ thuật gia truyền, mà hơn hết, mối quan hệ của họ vô cùng rộng. Được tiếp thân với những người như vậy, tuy không nhanh chóng, nhưng về lâu về dài chắc chắn sẽ có hiệu ứng tích cực. UncleThink đánh giá rất cao những người có tầm nhìn lâu dài như vậy.

2. Bổ sung chuyên môn và Know-how.
Thoạt đầu, ông đến với táo mà không hề có tí chuyên môn nào, từ ngữ chuyên ngành cũng không nắm rõ. Sau này ông mới đăng kí thêm một khóa học tại trung tâm kỹ thuật nông nghiệp. Rồi ông cứ thế vừa học, vừa áp dụng tích lũy kinh nghiệm. Sau khi nắm được những điều cần thiết để vận hành tốt trang trại táo, ông mới bắt đầu áp dụng lên trạng trại của mình.
Để táo đạt chất lượng tốt nhất, ông dùng thêm các loại phân vi lượng như Canxi, Boron hoặc các chế phẩm vi sinh có lợi (Effective Micro-organisms). Không những thế, ông còn tận dụng những quả bị rụng, ngâm đường để lấy nhựa, rồi chiết các thành phần hữu cơ của táo, chờ lên men trong 6 tháng, sau đó bón lại cho cây. Một vòng tuần hoàn như thế này vừa tiết kiệm một phần chi phí phân bón, vừa tiết kiệm phí xử lí rác thải.
Tuy nhiên, không phải trái nào cũng có thể áp dụng cách này, nên nếu bạn có ý tưởng, thì nên thử nghiệm thật nhiều, đúc kết, tìm ra chân lí trước khi đưa vào áp dụng đại trà. Hãy tin tưởng ở bản thân mình!
Chưa dừng lại tại đó, hiện tại (2021) ông vẫn đang thử nghiệm một phương pháp mới, đó là sử dụng ‘phụ phẩm nhân sâm’. Nhân sâm sau khi sử dụng, phần xác còn lại sẽ được ninh cho sắc lại, sau đó đem đi phơi khô, rồi tán thành bột, lúc này sẽ tạo thành ‘phụ phẩm nhân sâm’.
Thứ phụ phẩm này sẽ được ông bón cho táo, hiệu quả này vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm. Thực tế một số mô hình khác khi áp dụng phụ phẩm này cũng cho ra hiệu quả thực tế rất tích cực. Cụ thể hơn, phụ phẩm nhân sâm này không chỉ được áp dụng trong trồng trọt mà cả ngành chăn nuôi (gà, bò, lợn,…) cũng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm
Bản chất của việc thử nghiệm là tốt, nó không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí, mà còn giúp doanh nghiệp của bạn tạo nên những “nét chuyên hóa”, góp phần tạo ra “sản phẩm cốt lõi”, tạo ra bản sắc doanh nghiệp, tăng giá trị canh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cần chú ý đến phần chi phí phát sinh và đa số kết quả của các lần thử nghiệm là thất bại.

3. Làm cỏ và nhà lưu trú miễn phí
Một trong những kẻ thù lớn nhất của nghề nông chính là cỏ. Đọc nhiều bài của UncleThink chắc bạn cũng sẽ thấy mình nói điều này khá nhiều lần.
Trường hợp lần này, trong vườn ông có chủ đích, cố tình trồng thêm “Kentucky Blue”, còn thường được gọi là ‘cỏ sân golf’, thân mềm, xanh quanh năm, tốc độ phát triển ở mức trung bình.
Thay vì diệt cỏ dại, ông chủ động trồng một loại cỏ khác, một loại nào đó được xem là “không dại”, để ức chế sự phát triển của các loài cỏ dại. Đây là một cách làm hay, nhưng cần có chi phí lớn, và việc chăm sóc loài cỏ mà bản thân muốn cũng đòi hỏi kinh nghiệm và chi phí phát sinh thêm như xăng, điện, phí bảo dưỡng.
Tuy vậy, ngoài việc ức chế các loài cỏ gây hại khác, thì thứ mà ông nhận lại còn là “thú tiêu khiển”. Cứ 3 tuần 1 lần, ông sẽ dùng xe cắt cỏ và xem như là mình đang là một quái xế thực thụ. Thú vui như này có cảm giác hơi “gượng ép” nhỉ!? Thế nhưng trong công việc, nếu có thể tìm được một thứ để tiêu khiển, để dừng lại nghỉ ngơi 1 phút thì đó thật sự là “cứu cánh”.
Ngoài ra, ông cũng xây1 căn nhà lưu trú miễn phí, sức chứa tối đa 6 khách nếu họ muốn nghỉ lại qua đêm. Đây là nơi khách tham quan có thể ngủ lại, giao lưu lắng chia sẻ những câu chuyện của trại chủ. Ban đêm có thể mở một buổi tiệc nhỏ để giao lưu, ban ngày có thể đi dạo tại vườn. Mr. Choi xem đây như một mô hình liên kết giữa dịch vụ chăm sóc khách hàng, kết hợp kinh doanh và là nơi tiếp thêm động lực cho bản thân.



4. Chiến lược Marketing “Đặc sản, chất lượng, xanh, miễn phí vận chuyển”
Phương châm của Mr. Choi là “Hàng chất lượng bán giá cao”. Ông quan niệm, sản xuất thì không có giới hạn, nhưng khả năng kinh doanh thì có giới hạn. Vì thế chiến lược Marketing cũng quan trọng không kém so với việc canh tác. Đặc biệt, ông cho rằng, “Không quan trọng bạn bán cái gì, nhưng quan trọng là bạn bán bằng cách nào”.
Từ nguyên liệu bao gói, chống xốc đến các tấm devider toàn bộ ông đều sử dụng giấy để chế tạo. Nhược điểm của việc làm này là chi phí nguyên vật liệu tăng rất cao, trong trường hợp mô hình Mr.Choi thì tăng đến 40%.

Ngoài ra, trên bao bì sản phẩm, ông cho in và thể hiện toàn bộ các thông tin từ tình hình của trang trại cho đến thông số chất lượng táo. Cách làm này tuy không mới, bởi thực tế hầu hết các sản phẩm hiện nay đều có bảng thành phần dinh dưỡng trên bao bì. Tuy nhiên, chỉ một số ít hãng là có thể hiện thông tin tình trạng của cơ sở chế biến. Nếu sản phẩm bạn muốn kinh doanh, chưa định hướng rõ đối tượng khách hàng chính thì rất khó đưa ra các quyết định kiểu này.
Hàn Quốc là một thị trường rất khó tính, người tiêu dùng không chỉ quan tâm chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn chú ý đến cả ‘nhân cách’ của doanh nghiệp, chính vì thế việc bổ sung các thông tin phụ như thế này cũng là một cách để giữ lấy lòng tin khách hàng.
Tuy nhiên, nếu đặt trường hợp xuất khẩu sang thị trường các nước ‘dễ tính’ thì người tiêu dùng có lẽ sẽ không để ý đến các chi tiết nhỏ nhặt đó. Nên nếu muốn phát huy công dụng của bảng thông tin chất lượng của cơ sở sản xuất, có lẽ sẽ phải cần thêm một số chiến lược quảng bá nữa.
5. Chiến lược dài hạn
Hiện tại, giấm táo chiếm nhu cầu sử dụng lên đến 50% trong thị trường táo Hàn Quốc. Cũng chính vì lượng cầu lớn như vậy, nên mặc dù thời gian chờ để giấm táo đủ điều kiện xuất kho là khá lâu (riêng trang trại Mr.Choi là mất 10 năm), nhưng ông vẫn có tư tưởng tích cực trong nhóm sản phẩm này.

Giải thích rõ thêm thì ông cho rằng, 10 năm sau là lúc sức khỏe ông không còn tốt như trước, nên nếu chuẩn bị sẵn ngay từ bây giờ, thì lúc đó chỉ việc bán hàng ra thôi. Lúc xuất hàng thì cứ theo nguyên tắc FIFO. Với nhu cầu giấm táo cao đến 50% như vậy, ông cũng dự tính sẽ mua thêm táo của các hộ lân cận, tạo hiệu ứng Win-Win, đôi bên cùng có lơi.
Đôi lời chia sẻ về mô hình này đến đây là hết, UncleThink hẹn gặp lại bạn trong bài viết tiếp theo nhé!