“Bắt chân chữ ngũ, đánh củ khoai lang
Hỡi cô nhà hàng, cho tôi bát nước”
1. Lời mở đầu
Khoai lang, một loại nông sản vô cùng gắn bó với người dân Việt Nam, nó quốc dân đến nỗi xuất hiện trong rất nhiều các bài ca dao tục ngữ, câu thơ, điệu hát của ông cha ta. Điển hình như đôi câu ca nhắc đến trong ảnh phía trên.
Tại Việt Nam, người dân có rất nhiều kinh nghiệm trong canh tác khoai lang, thế nhưng canh tác theo kinh nghiệm truyền thống có luôn tối ưu? Hỏi chơi vậy thôi chứ bài viết lần này UncleThink không đi vào kỹ thuật trồng. Mà thay vào đó, UnlceThink sẽ trình bày một khía cạnh mà ít được để ý khi nhắc đến canh tác khoai lang, đó là “ươm cây giống”.
Trên các nội dung chia sẻ có sẵn trên Internet, chúng ta rất dễ dàng tìm kiếm những thông tin chia sẻ như kỹ thuật xử lí đất, dinh dưỡng, mùa vụ trong canh tác khoai lang,… Nhưng trong số đó, các bài viết có nhắc đến công đoạn ươm cây giống lại rất ít, thiếu con số hoặc không đề cập quy trình cụ thể.
Vậy nên trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những nội dung ít được nhắc đến bên trên-“Kỹ thuật chuẩn bị cây giống”. Đồng thời mình sẽ giới thiệu một vài kỹ thuật chuẩn bị cây giống điển hình do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàn Quốc hướng dẫn, áp dụng cho canh tác tại Hàn Quốc.[footnote]Bà con Việt Nam ta có thể tham khảo và điều chỉnh để áp dụng cho phù hợp[/footnote]

2. Bắt đầu nội dung chính
Ở đâu cũng vậy, thường có 2 hình thức để trồng khoai lang. Một là trồng từ củ. Hai là trồng từ nhánh. Mỗi hình thức sẽ có ưu nhược khác nhau.
Ví dụ hình thức thứ 1 là trồng trực tiếp bằng củ. Đối với cách này, xét về lí thuyết thì giai đoạn đầu cây sẽ khỏe hơn so với khi trồng từ nhánh, chất lượng năng suất cũng tốt hơn, nhưng đòi hỏi chi phí giống tốn kém, thời gian phát triển cũng lâu hơn. Vậy nên thực tế khi làm ăn, ít ai trồng khoai bằng cách dùng củ để sinh củ như thế này.
Hình thức thứ 2 là dùng củ để lấy mầm nhánh, sau đó dùng nhánh này để trồng cây mới. Với cách này, trong giai đoạn đầu cây có thể yếu hơn chút đỉnh[footnote]nhưng không đáng kể, nói chung chỉ yếu hơn về mặt lí thuyết thôi[/footnote], đòi hỏi kinh nghiệm lựa chọn nhánh dây của chủ nông phải cao hơn. Đặc biệt, nếu trang trại bà con có thể tự chuẩn bị cây giống mỗi khi đến vụ thì sẽ vừa tiết kiệm chi phí mua lại cây giống, vừa tin tưởng được độ thuần giống của mình, mà lại vừa chủ động trong canh tác nữa.
Tại Hàn Quốc, đa phần mô hình canh tác khoai lang đều có một khu gây giống riêng, một khu trồng chính thức nằm riêng. Mỗi khu một điều kiện khác nhau để thích hợp với từng giai đoạn của khoai lang. Như đã nói ở mục 1, bài viết này mình chỉ tập trung đến giai đoạn chuẩn bị cây giống.
3. Tiêu chuẩn kỹ thuật giai đoạn gây giống khoai lang
Lưu ý, hình thức trồng bên dưới có mục đích là tạo ra cây giống khoai lang, chứ không phải là trồng khoai lang để thu hoạch. Mọi người đừng hiểu lầm nhé.
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàn Quốc[footnote]농촌진흥청[/footnote] khuyến khích chủ nông gây giống từ củ. Khi chọn củ để gây giống cần thỏa mãn các điều kiện sau:
Tiêu chuẩn chọn giống theo Rural Development Administration
– Chọn củ giống khỏe mạnh, không nấm, không bị hỏng
– Chọn giống đồng dạng, có đặc trưng chung
– Lúc bảo quản tránh tình trạng củ bị nhiễm lạnh
– Chọn giống khoai phù hợp với hình thức canh tác
Một số tiêu chuẩn về số lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện thổ nhưỡng tại Hàn Quốc:
– Cứ 1000m² sẽ cần khoảng 4,500 ~ 7,100 cây con.
– Để có được số lượng cây con này, sẽ cần 1 lượng khoai có thể cung cấp khoảng 1,500 ~ 2,000 mầm mỗi lần.
– Cứ mỗi 1kg khoai lang sẽ cho ra khoảng 20 ~ 30 mầm. Từ đó có thể tính cứ 1000m² sẽ cần khoảng 70 ~ 100kg củ khoai giống.
– Củ khoai lang chọn làm giống có kích thước lớn, sẽ cho ra mầm lớn hơn củ nhỏ. Tuy nhiên số lượng mầm sẽ ít hơn.
– Ngược lại, củ nhỏ tuy cho số lượng mầm nhiều hơn, kích thước mầm nhỏ hơn. Tuy nhiên, nếu môi trường nuôi dưỡng mầm tốt cũng có thể tạo ra mầm có chất lượng vượt trội. Vì thế chủ nông hoàn toàn có thể sử dụng củ nhỏ để tối ưu chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Về tiêu chuẩn ươm mầm khoai lang:
– Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hàn Quốc, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàn Quốc đã gợi ý thời gian thích hợp nhất cho khoai lang phát triển là vào giữa tháng 5. Và để có cây con trồng vào giữa tháng 5 thì bà con nên bắt đầu ươm giống vòa khoảng giữa tháng 3.
– Mầm khoai chủ yếu mọc ở phần đầu, nên khi trồng nên đồng nhất hướng phần đầu về một phía để dễ quản lí, chăm sóc
– Mầm khoai thường xuất hiện ở phần lưng khoai[footnote]phần cong lên của củ khoai, phía sau phần lưng sẽ là đoạn thu nhỏ (còn gọi là phần bụng khoai) để chuyển tiếp đến phần chân khoai, chân khoai là đoạn sẽ ra rễ khi ươm mầm[/footnote]. Vì thế khi gieo củ, nên đặt cho phần lưng này nằm hướng lên trên. Đương nhiên phần đầu khoai cũng cần hướng lên trên.
– Mỗi giống khoai sẽ có độ cứng của mầm, kích thước thân mầm to nhỏ khác nhau, vì thế mà khoảng cách giữa các củ mầm cũng sẽ khác nhau. Trung bình khoảng cách giữa các chồi khoảng 5~10cm sẽ là vừa. Tuy nhiên, một số giống như “khoai lang tím Shinjami” có thân rất nhỏ, mình nên trồng sát nhau thì sẽ cho năng suất cao hơn.

– Sau khi gieo khoai xong, việc duy trì nhiệt độ phù hợp và ổn định tại luống gieo là ưu tiên đặc biệt. Để đảm bảo nhiệt độ được ổn định, các trang trại giống Hàn Quốc thường trang bị hệ thống dây điện điều chỉnh và cảm biến nhiệt bên dưới các luống khoai.
– Đọc đến đây mọi người đừng vội phán “Hàn Quốc làm màu”, mà hãy nghĩ đến tại sao nền nông nghiệp nước ta chưa đồng bộ, khó truy xuất nguồn gốc và phân tích điều kiện nuôi dưỡng. Đặc biệt hơn nữa là năng suất của Việt Nam thấp hơn các nước tiên tiến rất nhiều, mặc dù lúc nào cũng đầu tắt mặt tối.
– Thêm nữa, mỗi loại khoai sẽ có một nhiệt độ tối ưu khác nhau, nên để dễ quản lí, chúng ta nên trông 1 giống cho một luống, chứ không nên trồng lẫn lộn. Nói chung làm sao thì làm, quản lí tốt nhiệt độ là đã thành công 60% rồi.
– Cuối cùng, nên phủ một lớp đất đủ để che kín khoai, nếu lấp đất quá dày sẽ dễ làm khoai bị ngộp, mà quá mỏng thì lại khó duy trì độ ẩm, thiếu độ ẩm thì sẽ lâu nứt mầm, mà thừa ẩm thì khoai sẽ bị thối.
4. Quản lí luống khoai mầm, nhiệt độ và độ ẩm

Trong giai đoạn khoai chưa nứt mầm, nên duy trì nhiệt độ trong khoảng 30~33℃. Đến khi mầm đã nứt thì giảm nhiệt độ xuống, duy trì ở mức 23~25℃.
Đặc biệt chú ý trong suốt quá trình từ lúc bắt đầu gieo đến sau khi khoai đã nứt mầm, nên cung cấp đủ ẩm cho luống, không nên để cho phần đất trên của luống bị khô. Nếu mầm lâu lên, thì là do nhiệt độ thấp hoặc thiếu độ ẩm.
Trường hợp thấy xuất hiện nấm trắng quanh phần đất thì chứng tỏ khoai đã bị úng thối. Lúc này nên loại bỏ củ bệnh, vệ sinh phần đất xung quanh để tránh lây bệnh cho các cây đang còn khỏe khác. Có thể sử dụng một số vi sinh, chế phẩm thân thiệt môi trường để loại bỏ mầm bệnh.
Trước và sau khi cắt cây mầm khoảng 3~4 ngày có thể phun U-rê 1% với liều lượng 4~6 lít cho mỗi 3.3㎡, như vậy sẽ giúp mầm nhanh bén rễ và đảm bảo cho mầm khỏe.


Đối với hình thức chủ trại trực tiếp trồng gây mầm khoai lang như thế này, có thể nuôi và cắt mầm từ 4~5 lần mà vẫn đảm bảo được cây giống khỏe mạnh, cho năng suất cao.
Một điểm đặc biệt khác, đối với mầm khoai tây, không nên mang đi trồng khi nhánh còn tươi, mà nên bảo quản mầm tại nơi có nhiệt độ thấp, có bóng râm, không chất thành đống. Bảo quản như vậy trong khoảng 3~5 ngày, đến khi các nhánh giống hơi héo đi sau đó đem đi trồng thì thời gian ra rễ cũng nhanh hơn, khả năng đậu củ cũng sẽ cao hơn.
Khi cắt mầm, nên cách phần gốc gắn với củ khoảng 5~6cm (nôm na khoảng 2~3 đốt tay) rồi mới cắt, như vậy mầm mới dễ nứt lại. Hơn nữa, nếu cắt quá sát dễ làm khoai bị tổn thương và phát sinh bệnh nấm đen như hình bên trên.
Chia sẻ lần này đến đây là hết. Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết khác nhé.