Lúa hữu cơ, cực khổ và nên thơ – P1 – Ngày thường

Lúa hữu cơ, ngoài những lúc cực khổ là khung trời mộng mơ

Đôi nét sơ bộ về mô hình lúa hữu cơ:

  • Trại chủ: Mr. Hong Ji Seong (홍지성), tuổi u40
  • Khu vực: Baemi Village, Hwaseong, Gyeonggi-do (경기도 화성 배미마을)
  • Lí do bỏ phố về quê: Nhìn thấy tiềm năng nông nghiệp, muốn quay về gần gũi với gia đình và thiên nhiên
  • Sản phẩm canh tác chính: Lúa hữu cơ, thuần tự nhiên
  • Thời gian về vườn : từ năm 2018
rice grain
Pixabay
body of water at daytime
Mabel Amber
eye level photo of cultivated land
Jan Kroon

Cùng nhìn qua một ngày chăm lúa và lắng nghe cách nhìn về nghề nông của Mr. Hong nhé!

Dọn cỏ cũ, san phẳng đất, trục bùn, kiểm lại đường nước, làm luống,… vốn là những công đoạn tốn rất nhiều sức. Có lẽ vì thế mà sau khi hoàn tất các khâu trên, cơ thể anh như bắt đầu lên tiếng để bày tỏ sự bất mãn với những cơn đau nhức dai dẳng.

Vậy nhưng, khi nhìn cánh đồng mới mạ cách đây không lâu, trước sắc xanh của đám lúa mới nhú trải dài trên cánh động rộng lớn, anh nở nụ cười, đắm chìm trong làn nắng sớm của khắc đầu thu.

Sau khi đã gieo giống xong, từ giờ đến lúc thu hoạch, việc quan trọng nhất còn lại đối với anh Hong chính là quản lí nước và làm cỏ.

[9:00] Theo anh Hong, đi xem nước là công việc quan trọng nhất trong canh tác lúa hữu cơ

“Đi xem nước”[footnote]nói cho đầy đủ hơn thì là “quản lí nước”, còn dân dã ta hay nghe là “đi thăm ruộng”[/footnote], chỉ đơn giản là bước ra khỏi nhà, đến ruộng, kiểm tra xem đường dẫn nước trong ruộng có nghẹt không? ất thường không? Dẫn thêm nước nếu thiếu, xả bớt nếu thừa. Nói chung là điều tiết và duy trì lượng nước cho phù hợp.

Để sản lượng lúa được đảm bảo, thì việc quản lí nước ở mức phù hợp là một trong những điều kiện tiên quyết. Đối với lúa sau khi mạ, thường sẽ mất khoảng 4~5 ngày (giai đoạn cây con) để bắt đầu ra rễ mới và trở nên xanh hơn.

Trong giai đoạn mới mạ này, nguồn nước dồi dào là một trong những yếu tố sống còn.

Thế nhưng sau đó, khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, việc cung cấp quá nhiều nước sẽ làm chậm quá trình phát triển của lúa. Cho nên quan trọng nhất vẫn là điều tiết lượng nước cho phù hợp, vừa đủ.

Vậy lượng nước như thế nào là “vừa đủ”? Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào giống lúa, thổ nhưỡng, điều kiện ruộng (thoát nước dễ hay khó). Thông thường sau khi mạ, có thể tháo cạn nước, để mực nước chìm nằm sâu, cách mặt đất tầm 10~15cm. Điều này có thể kích thích lúa đâm rễ, bám chắc thân. Về sau, ở mỗi giai đoạn khác nhau thì mức nước quản lí cũng sẽ khác nhau.

Tâm sự bên lề, cái gọi là “vừa đủ” không chỉ khó khi trồng lúa, mà nó khó trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ công việc đến nhân sinh!? Ăn uống thế nào mới là đủ, công việc và gia đình dung hòa thế nào mới là đủ, người yêu và thời gian cá nhân, không gian phân chia như thế nào mới là đủ? Chữ “đủ” khó đúng không, bạn có đồng tình với UncleThink không?

Thật sự, đối với lúa theo hướng canh tác bình thường đã khó, đằng này lại còn lúa hữu cơ, chỉ tưởng tượng thôi đã thấy rất vất vả và chông gai rồi.

[11:00] Nhổ cỏ nào người anh em!

Với quan niệm trồng xưa cũ, cứ có cỏ là dùng thuốc diệt, trước mắt thì thấy tiện lợi, nhưng lâu dài mới thấy lợi bất cập hại. Còn đã là người canh tác theo hướng thuần tự nhiên như Mr. Hong, không ai muốn dùng đến hóa chất cả.

Anh thường dùng máy cắt cỏ cầm tay, tuy nhiên, trên ruộng lúa hữu cơ sẽ có những vị trí khó cắt bằng máy, lúc này anh sẽ nhổ bằng tay.

Bên cạnh việc nhổ cỏ chủ động, có thể thả ốc để diệt cỏ. Tuy nhiên, nếu chọn cách thả ốc, phải lựa thời điểm thân lúa đã lớn, trở nên cứng cáp. Bởi lúc này ốc không thể ăn được lúa, mà chỉ có thể ăn các cây cỏ non trong ruộng.

Ngoài ra, quản lí nước cũng là một trong những cách phòng trừ cỏ trong ruộng hữu hiệu. Nếu lượng nước quá ít, đất trong ruộng quá khô, thì nền đất sẽ liên tục hấp thụ ánh sáng mặt trời, dưới điều kiện như vậy cỏ sẽ sinh sôi rất nhanh.

Chính vì thế, như ở trên có nói, quản lí nước trong canh tác lúa nói chung, lúa hữu cơ nói riêng là rất quan trọng, lúc thì cần thêm nước, nhưng lúc khác sẽ phải rút nước.

Cỏ ngoài ruộng cần loại bỏ, nhưng cỏ trong nhà thì khác, bởi nó cần được nuôi dưỡng. Chủ động trồng cỏ trong nhà không chỉ giúp phủ xanh, làm đẹp, giữ đất, mà còn giúp hạn chế các loại cỏ dại mọc ngoài ý muốn.

Nếu làm cỏ ngoài đồng khiến anh Hong thấy mệt nhọc, thì ngược lại, việc làm cỏ tại sân nhà sẽ như một trò tiêu khiển, thư giãn cơ bắp.

Ít ra để về quê, trước hết bạn cũng cần phải tìm ra cho mình một cái thú tiêu khiển giống như Mr. Hong mới được. Phải tự biết cái niềm vui khi làm nông. Chí ít phải như vậy mới có thể gắn bó lâu dài với nghề nông được.

[14:00] Kiểm tra máy móc, dụng cụ nông nghiệp

Máy móc tuy không có tình cảm, nhưng nó giống con người ở một điểm: càng được tôi luyện, càng được sử dụng thường xuyên thì càng hoạt động, càng trơn tru, còn cứ để im trong tủ thì kiểu gì cũng bị “sưng mủ”.

Hơn nữa, đã là dụng cụ nông nghiệp thì chỉ có bám đất, dính nước, tiếp xúc với chất bẩn, vì vậy các vấn đề như vệ sinh, bảo quản, bảo trì, quản lí nhà kho là cần thiết.

Riêng bản thân UncleThink, đây có lẽ là một trong những việc mà UncleThink thích nhất khi nhắc đến về quê. Đôi khi quanh quẩn trong vườn nhà, cái bàn không vừa ý, đường dây điện nhìn không khoa học, thêm cái này, bỏ cái kia, muốn làm ngay nhưng không có dụng cụ sẽ cảm thấy rất ức chế.

Vậy nên, sẽ đã cái nư biết bao nếu trong vườn có một khu vực để ta tự do sáng tạo, “chế biến” các món dụng cụ tiện lợi nhưng không tốn kém.

[15:30] Thư giãn, trang trí khu vườn và tận hưởng khoảng thời gian nghỉ

Vừa nhâm nhi tách trà nhà làm, anh Hong vừa tâm sự: “Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình còn trẻ, nên dù là cái gì, khó cỡ nào, mệt cỡ nào tôi cũng làm được. Nhưng mà làm rồi mới thấy mệt chịu không nổi.”

Lúc mới bắt đầu, anh Hong xuất phát với diện tích 3ha, sau đó cứ dần dần, không nhanh nhưng từng chút một, trưởng thành sau vài năm, đến nay diện tích canh tác lúa hữu cơ của anh gần khoảng 15ha.

“Giờ nhìn lại quảng thời gian đó, tôi cũng có một phần tự hào, một phần còn lại là đang suy tính cho các kế hoạch sắp tới”, anh Hong cười nhưng ánh nhìn xa xăm.

[16:30] Đi thăm luống ớt, luống cải thảo

Suốt từ mùa xuân, việc quan trọng là gieo mạ và chăm sóc cánh đồng lúa hữu cơ. Tuy nhiên ngoài lúa hữu cơ, anh Hong còn canh tác thêm ớt và cải thảo.

Tuy diện tích của ớt và cải thảo không lớn như diện tích của lúa hữu cơ, thế nhưng khi nhìn thấy cây phát triển từ lúc hạt còn bé xíu, cho đến khi bắt đầu ra quả đỏ mọng, chính điều bình dị thường ngày này khiến anh luôn phải cảm thán trước sự kỳ diệu của thiên nhiên.

[17:40] Ghi chép lại ngày hôm nay và lên kế hoạch cho hôm sau

Thật ra đây là môt thói quen tốt, nếu bạn chưa từng làm thử sẽ không thấy công dụng của việc ghi chép này. Nói là ghi chép, nhưng bạn thích ghi lên giấy cũng được, ghi lên bảng con, dùng máy tính, điện thoại hay gì cũng được.

Đới với UncleThink, ghi trước công việc cần làm thì hôm sau sẽ ít bị vướng bận vào các việc linh tinh hơn. Đặc biệt, UncleThink thích cảm giác gạch bỏ mỗi khi hoàn thành 1 việc trong danh sách, cảm giác đó nó có mị lực gì đó rất thỏa mãn.

Trường hợp của anh Hong, thì anh ghi vào sổ những vấn đề phát hiện được trong hôm nay, lên sẵn kế hoạch ngày mai, đồng thời vạch ra các công việc có thể tự chuẩn bị trước khi tới mua thu hoạch.

[18:00] Đi dạo, kết thúc một ngày làm việc

Đồng xanh lào xào như thủ thỉ vào tai, nắng vàng ấm áp phả lên mặt. Trong bầu không khí ấy, anh Hong cùng vợ thong dong dạo trên con đường quê yên tĩnh. Có lẽ anh Hong và những ai mong mỏi bỏ phố về quê cũng luôn mơ về một buổi chiều yên bình như vậy.

Trên đây chỉ là một ngày làm việc đơn giản, sau khi gieo mạ nên thoạt đầu trông có vẻ nhàn nhã, nhưng nghề nông mà, ngừng vận động là “ngừng thở”.

Vậy nên để được như ngày hôm nay, anh Hong và gia đình cũng đã trải qua những ngày quá khư rất vất vả, ý nghĩa.

Bài chia sẻ lần này đến đây là hết! Mời các bạn đón đọc phần 2 ở lần sau nhé. Phần 2 Unclethink sẽ chia sẻ về một ngày trong thời gian thu hoạch lúa hữu cơ của anh Hong nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *