Lúa hữu cơ, cực khổ và nên thơ – P2 – Thu hoạch

Lúa hữu cơ, cực khổ và nên thơ UncleThink

Tuy Phần 1 của mô hình lúa hữu cơ này mình có chia sẻ rồi, nhưng để khỏi mất công cho bạn thì mình cũng xin tóm tắt lại đôi nét như sau:

  • Trại chủ: Mr. Hong Ji Seong (홍지성), tuổi u40
  • Khu vực: Baemi Village, Hwaseong, Gyeonggi-do (경기도 화성 배미마을)
  • Lí do bỏ phố về quê: Nhìn thấy tiềm năng nông nghiệp, muốn quay về gần gũi với gia đình và thiên nhiên
  • Sản phẩm canh tác chính: Lúa hữu cơ, thuần tự nhiên
  • Thời gian về vườn : từ năm 2018

Nếu bạn muốn xem lại Phần 1 của mô hình lúa hữu cơ này, có thể bấm vào đường dẫn này hoặc đường dẫn nằm ở đầu bài cũng được, như nhau hết nha!

Một năm làm nông sớm tối, cú chốt ăn hay thua phụ thuộc vào ngày thu hoạch[footnote]kể ra thì còn phụ thuộc vào lúc bán, lúc trả nợ nữa, nhưng mà thôi cứ tạm vậy đi đã[/footnote]. Thành thử những ngày thu hoạch có thể xem là bận rộn và áp lực nhất. Chưa kể, sau khi thu hoạch, còn phải cải tạo đất, tu bồi đủ thứ để chuẩn bị vụ tiếp theo hoặc chí ít là chuẩn bị vụ xen canh.

Nhiều thứ để lo là thế, nhưng nhìn sắc vàng của ruộng lúa hữu cơ nhà mình, sóng sánh trong bầu không khí se se lạnh của mùa thu Hàn Quốc, anh Hong tươi tắn, nở một nụ cười rất sáng.

LNgày gặt bắt đầu từ sớm tinh mơ[footnote]À quên, làm nông dân thì ngày nào chả bắt đầu từ sớm tinh mơ, cần gì ngày gặt[/footnote], chuẩn bị liên hệ người làm, anh em, bạn bè, hàng xóm láng giềng. Rồi nào là máy móc, kho bãi, xe cộ, xăng, nước, kho bãi,… Loay hoay đây đó mới một tí mà đã đến giờ ăn trưa.

[13:00] Tiếp tục ngày thu hoạch lúa hữu cơ

Ăn trưa xong thì làm tiếp thôi…

Trong canh tác lúa, đặc biệt là lúa hữu cơ, quản lí nước rất quan trong[footnote]cái này UncleThink có nhắc ở Phần 1 rồi[/footnote]. Đặc biệt, việc quản lí nước trong giai đoạn thu hoạch lại còn quan trọng hơn nữa. Có 2 lí do chính như sau.

Một, thời điểm lúa (lúa hữu cơ) chuẩn bị trổ bông, ngậm sữa là lúc cần cung cấp nhiều nước để cây có sức, phát triển mạnh, tạo năng suất tốt.

Hai, vì điều kiện đồng ruộng tại Việt Nam mình có hơi hướng đầm lầy, nên trước khi thu hoạch khoảng 10-15 ngày cần phải tháo nước để cho ruộng cạn, nền đất khô lại. Mục đích để sau này dễ sử dụng máy gặt lúa, máy chạy dễ dàng và linh hoạt hơn. Nển ruộng mà lún quá khi chạy máy gặt sẽ ảnh hưởng đến năng suất nhiều,lúc này chắc phải đi gặt tay mới đảm bảo.

Tuy nói là cần phải tháo nước, nhưng đây không phải là bắt buộc. Vì hiện nay, ngày càng có nhiều model máy gặt lúa đời mới, có gầm cao hơn, xích hai bên có thể vận hành ngược chiều, di chuyển linh hoạt hơn ngày xưa rất nhiều.

Giá máy gặt đập lúa liên hơn có biên độ giao động khá lớn, tùy thuộc vào công suất, tính năng, xuất xứ. Để dễ hình dung thì rẻ khoảng 100 triệu cũng có, còn đắt khoảng 900 triệu cũng có luôn

Quay lại với Mr. Hong, nhân vật chính của chúng ta, anh chọn cách đơn giản hơn, tiết kiệm chi phí hơn, nhưng không phải ai cũng làm được, đó là mượn máy của hàng xóm, khỏi phải thuê đỡ tốn tiền.

Chỉ là “mượn” thôi, nhưng tại sao “không phải ai cũng làm được”. Tưởng tượng một chút nhé, nếu có hàng xóm kinh doanh sản phẩm giống bạn, xét về thương trường thì cả hai đang cạnh tranh nhau, thì khi nào bạn sẽ vui vẻ cho họ mượn máy không toan tính, khi nào bạn sẽ không muốn cho mượn. Trả lời được là sau này sẽ biết cách để có thể mượn được. Hãy tự mình tìm câu trả lời nhé.

Một máy gặt đập liên hợp công suất lớn có rất nhiều điểm lợi ích. Vừa sử dụng cho bản thân mình, vừa có thể cho các hộ khác thuê, mượn. Tuy nhiên, đối với mô hình có diện tích trồng còn nhỏ, chi phí cho máy gặt lúa công suất lớn sẽ là một khoảng đầu tư “đau đầu”[footnote]Tại Việt Nam, dòng máy phổ biến nhất là Kubota và Yanmar, giá mua mới tầm 200~900 triệu[/footnote]. Vì giá của các dòng máy công suất lớn này khá đắt, nên mượn hoặc thuê sẽ là chiến lược được ưu tiên hơn.

Quay lại với Mr. Hong lần nữa, đợt thu hoạch lúa này anh chỉ đơn giản là mượn của một người anh gần nhà, dùng xong thì trả lại. Sau đó, anh sẽ đến phụ việc, giúp đỡ cho người anh em của mình khi họ cần. Có qua có lại là đương nhiên, nhưng thứ được truyền gửi mỗi lần là tình cảm chứ không phải tiền bạc gì.

Khác với phố thị, cả ngày đi đi về , ai cũng bận bịu chẳng công hơi đâu để ý đến xung quanh. Nhưng phố quê thì khác, chúng ta sẽ chẳng có gì ngoài thiên nhiên và láng giềng. Vì thế khi mới về, hãy cố gắng thích nghi và làm quen với mọi người, mọi vật xung quanh.

Một bài viết khác mà UncleThink cũng đã chia sẻ, đó là trang trại trồng táo. Trại chủ đã có một chiến thuật khá thú vị để làm quen các “gạo cội trong làng”. Nếu quan tâm, bạn có thể tham khảo ở Link này nhé!

[13:30] Bắt đầu chạy máy gặt

Khoành khắc máy chính thức bắt đầu chạy, Mr. Hong cũng có chút bồi hồi tiếc nuối kiểu chia tay bạn mình. Thế nhưng, khi nhìn từng dãy lúa vàng chạy liên tục qua duỗi gặt, rồi nhè nhẹ những tiếng “rột rột” khi lúa đổ không ngừng vào bao. Nghe thứ âm thanh đó, nhà nông ai mà chẳng hân hoan.

Tuy nhiên, cũng có chút không thuận lợi cho cánh ruộng của Mr.Hong khi đêm trước đó trời có đổ mưa. Nếu trời mưa, thân lúa sẽ bị mềm và dễ bị ngã, mặt ruộng vì ẩm mà cũng hơi nhấm nháp. Những điều này cũng khiên anh Hong khá lo lắng lúc đưa máy gặt tiến vào ruộng.

[14:00] Chuyển gạo đến kho làm khô

Lúa được chất trong các bao tải cỡ đại, cứ mỗi lần chở, xe tải sẽ đi được 3 bao như vậy.

Vừa chở đến kho thì gặp một vài người anh em trong khu vực. Tất cả đều thân mật chào đón nhau. Một người anh quen biết trong số đó còn chạy đến, cầm chổi dúi vào tay Mr. Hong trêu: “Nhanh lại mà làm việc đi này!”. Nhờ đó mà một ngày bận rộn như hôm nay, Mr. Hong vẫn có thể cười giỡn được.

Nếu từng biết đến các máy gặt đập mà bà con Việt Nam mình thường dùng, thì có lẽ khi nhìn bao tải cỡ lớn thế này mọi người sẽ có chút ngạc nhiên[footnote]không ngạc nhiên thì thôi[/footnote].

  • Bao tải lớn và nặng thế này thì mỗi lần sẽ thay như thế nào? Người thay hay máy thay?
  • Phải cần mấy người để thay thế
  • Bao sẽ treo ở đâu?

Khác với Việt Nam, Hàn Quốc thường dùng dòng máy có thùng chứa lúa gắn liền trên thân máy. Sau khi đầy, họ sẽ bắt đầu bơm lúa sang xe tải luôn, chứ không vừa cắt vừa thu vào bao tải nhỏ như thường thấy tại Việt Nam.

Không phải máy mà Việt Nam nhập về không làm được, mà chủ yếu nếu dùng bao tải trọng lớn thì phải có xe mới chở được, mà đã chở được rồi thì cũng phải dùng xe nâng để hạ xuống, mà hạ xuống rồi thì cũng phải có kho đủ rộng để lưu trữ. Chưa kể đến tiền mua bao, mua sỉ cũng phải 5-7 chục ngàn một cái.

Nói chung, để làm lớn như Hàn Quốc, phải có một hệ thống xe và máy, trang bị cho đồng bộ. Còn bà con mình đa số vẫn khó khăn, nhỏ lẻ, nên giờ có muốn đồng bộ cũng không thể đồng bộ được. Vì thế đành phải dùng sức vóc, vai gầy đề bù vào.

Nói gì thì nói, các hộ gia đình làm nông tại Hàn Quốc hầu như nhà nào cũng có xe tải. Xe tải giống như là một phương tiện bình dân, nên thu hoạch theo cách như vậy cũng là dễ hiểu.

Tuy nhiên, cách làm như hình phía trên chỉ là cách giống với cách mà Mr. Hong làm. Ngoài cách này, còn một số cách khác thuận tiện hơn, tốn kém hơn. UncleThink sẽ chia sẻ hình ảnh về các cách này như bên dưới, biết đâu khi bạn đọc tham khảo, lại lóe ra được sáng kiến hay cho Việt Nam mình thì sao. Nếu có lóe được ý tưởng nào, rất mong được nghe các bạn chia sẻ ở phần bình luận bên dưới.

[15:30] Tiếp tục thu hoạch và vận chuyển về kho phơi khô

Cứ thế Mr. Hong cố gắng hoàn thành việc thu hoạch trong ngày hôm đó, càng dây dưa càng dễ phát sinh vấn đề về thời tiết, máy gặt,…

Sau khi thu hoạch hoàn tất, phần rơm nằm đều đặn thành từng đống trên ruộng sẽ được anh Hong thu gom, dùng làm thức ăn cho bò. Đây là lượng thức ăn quan trọng vào mùa đông, bởi mùa đông Hàn Quốc nhiệt độ thường xuống thấp đến -20 độ C, tuyết phủ trắng khắp nơi, bò chỉ còn nước cạp đất mà ăn thôi.

Ở đâu cũng vậy, Hàn Quốc hay Việt Nam, nghề nông đều cực lắm, cực quanh năm, mãi đến khi thu hoạch mới cảm thấy có chút thành tựu, nhưng vẫn cực.

Anh Hong tâm sự: “Sau một năm cực nhọc như vậy, thì trong một ngày quan trọng như hôm nay chúng ta phải thoải mái, vui tươi cho bõ công chứ. Tôi thấy được vui vẻ trong ngày thu hoạch như là một đặc quyền của nông dân vậy.”

Bài chia sẻ về một ngày thu hoạch của Mr. Hong đến đây là hết. Hẹn gặp các bạn trong bài chia sẻ tiếp theo nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *