Đôi nét về trang trại đu đủ:
– Trại chủ: Mr. Hwang Soon Gon (황순곤)
– Mô hình: Cây giống + Hoa quả + Tham quan trải nghiệm + Giáo dục
– Địa điểm: Hàn Quốc
– Vạch xuất phát: Tốt nghiệp ĐH thể dục thể thao, đến năm 1995 bén duyên với trang trại.

1. Cái duyên với nghề nông
Tại Hàn Quốc hiện nay, một số loại cây trước giờ chỉ trồng tại Jeju[footnote]1 đảo nằm tận cùng phía Nam của Hàn Quốc
[/footnote] cũng đang được trồng tại Naju (나주) hoặc GyeongJu (경주)[footnote]các tỉnh đất liền phía Bắc so với Jeju (제주)[/footnote], điều này cho thấy xu hướng canh tác nông nghiệp đang dần mở rộng, ít bị giới hạn bởi các yếu tố địa lí, tự nhiên như trước kia. Trường hợp trang trại mà tôi giới thiệu hôm nay cũng vậy, mang cây từ xứ này về xứ mình để phát triển. Cụ thể hơn, đó là mang các giống cây nhiệt đới từ châu Á về Andong Gyeong Sang Buk (경상북)[footnote]một tỉnh phía bắc Hàn Quốc, nơi mùa đông có thể xuống âm 20 độ C[/footnote]. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một quốc gia ôn đới nên việc trồng các loài cây cận nhiệt đới như đu đủ, xoài, chuối không hề đơn giản.
Điều đáng nói là nhân vật chính lần này của UncleThink xây dựng trang trại tại thành phố có tên là AnDong và lúc bấy giờ tại AnDong nói riêng, cũng như Hàn Quốc nói chung hầu như vẫn chưa có ai trồng cây nhiệt đới, nên có thể xem ông là con thuyền phá băng đầu tiên trên lĩnh vực này. Điều này vừa hên vừa không hên…
Tại Andong cũng có một mô hình trồng Kiwi khá hay, UncleThink có viết ở Link này, nếu quan tâm thì bạn ghé qua đọc nhé.

Mr.Hwang tốt nghiệp Đại học thể dục thể thao, nhận bằng thạc sỹ môn thể thao nước, sau khi tốt nghiệp ông cũng cố gắng bám theo chuyên ngành và làm việc tại một Trung tâm Sports nằm ở Daegu[footnote]thành phố trực thuộc trung ương lớn của Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul 300km[/footnote].
Mãi đến đầu những năm 1990 mối lương duyên với nông nghiệp của ông mới xuất hiện. Lúc này một hậu bối sau khi đi tập huấn tại đảo Jeju, đã quay về và tặng ông một cây…quýt. Vâng! Chỉ đúng một cây thôi. Và lúc bấy giờ, hệ thống sưởi nền[footnote]mùa đông tại Hàn Quốc rất lạnh, dù bạn ở trong nhà, nên từ xa xưa, kiến trúc nhà Hàn Quốc luôn tồn tại một hệ thống sưởi nền. Với nhà truyền thống thì sử dụng nhiệt từ củi lửa, còn nhà hiện đại ngày nay hầu hết đều sử dụng gas[/footnote] mặc dù đã khá phát triển, nhưng mùa đông tại Hàn Quốc vốn rất khô, thế nên quýt của ông[footnote]cây quýt của ông, đừng nghĩ bậy nhé[footnote/] vẫn rụng sạch lá.
Trước tình cảnh này, ông mới hiểu được một điều rất cơ bản kiểu “Thì ra độ ẩm cũng quan trọng không kém gì nhiệt độ và dinh dưỡng!”. Bạn thấy đấy, kiến thức cơ bản như vậy ông cũng chưa có, nên từ đó trở đi, ông cứ vừa chăm sóc quýt, vừa tích lũy kiến thức, rồi dựa trên những kiến thức tích lũy được, ông bắt đầu tăng dần số lượng cây trong nhà lên.
Đến năm 1995, một người bạn của ông đến Đông Nam Á truyền đạo, khi quay về, người này tặng ông hạt giống đu đủ nhiệt đới. Từ đó, ông lần đầu tiên thử trồng đu đủ. Về sau, ông dần tự tin hơn và bắt đầu trồng thêm các cây nhiệt đới khác như chuối, xoài.

2. Chiến lược và mô hình trang trại đu đủ
Năm 2010, sau khi trở về quê, Hwang trại chủ trồng đu đủ[footnote]”Hwang trại chủ trồng đu đủ”, câu này hợp vần nghe vui nhỉ![/footnote] trên một phần vườn táo của ông bà.
Tiền thuê mặt bằng luôn chiếm tỉ trọng lớn trong các chi phí cố định, nhưng ông may mắn cắt giảm được phần này khi khởi nghiệp, điều này thật sự là may mắn. Sau khi nắm được công thức căn bản để vận hành trang trại, lúc này ông mới bắt đầu ươm mầm giấc mơ trồng trọt. Hơn nữa, kiến thức trang trại của ông không phải mới được bổ sung gần đây, mà nó đã được tích lũy từ nhiều năm trước đó, lúc ông mới trồng những cây đầu tiên. Và thứ ông cần quan tâm đầu tư thêm, chính là vốn, hệ thống quản lí và nguồn ra cho sản phẩm.
Ông chia sẻ: “Thông thường, nếu trồng cây ăn quả, thì lợi nhuận chủ yếu đến từ việc bán sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, đối với các loại ăn quả như đu đủ, xoài, chuối thì có trồng tốt thế nào đi nữa cũng không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Vì thế tôi chủ yếu tập trung hướng đến một nông trại chuyên cung cấp các trải nghiệm thực tế.
Hiện nay, tại Hàn Quốc hầu như không có nơi nào cung cấp các trải nghiệm giúp mọi người tận mắt nhìn thấy quá trình đơm hoa kết trái, cũng như quá trình biến đổi từ khi còn xanh đến lúc chín mọng của các loại trái cây nhiệt đới. Và sẽ tốt hơn nữa nếu sau khi trải nghiệm xong các dịch vụ trong trang trại, khách có ý muốn mua thêm cây con để về trồng thử.”
Cá nhân UncleThink thấy phân tích trên của ông rất hay!

Việc chuyển đổi chiến lược từ buôn bán cây giống, trái cây thành phẩm sang kinh doanh trải nghiệm quá trình sản xuất thật sự sáng suốt. Tại Hàn Quốc, nếu mọi người biết có một trang trại trồng cây ăn quả nhiệt đới, mọi người sẽ tò mò và sau khi tận mắt tham quan, nếu ai muốn biến những trải nghiệm này thành thực tế thì có thể mua cây con mang về và trực tiếp trồng.
Một điều hiển nhiên, vì ông đã chọn trồng cây nhiệt đới trên xứ ôn đới, một con đường mà không giống ai, nên chắc chắn đã vướng phải không ít khó khăn, những khó khăn ngoài sức tưởng tượng của ông.

Ngay sau khi quay về quê, thử thách đầu tiên của ông chính là đối mặt với mùa đông. Mặc dù đã thành thục việc trồng cây trong nhà, thế nhưng đây là lần đầu ông thật sự đối mặt với cái lạnh của mùa đồng bằng phương pháp trồng trong nhà kính.
Tại Hàn Quốc, điểm khác nhau giữa trồng trong nhà và trồng trong nhà kính ngoài trời đó là nhiệt độ. Lúc đó, ông đã sử dụng nguồn nhiệt từ lò than tổ ong để giữ ấm cây trồng, thế nhưng chính khí gas thải ra từ than tổ ong đã làm cho cây bị ngộp thở và chết dần.
Riêng UncleThink nhận định, thất bài trên của ông thật đáng tiếc, bởi việc nhận định tác hại của khí gas phải được liệt kê ra trước khi áp dụng mới phải, chứ không phải đến lúc “đã đành” rồi mới vỡ lẽ.
Đương nhiên, trang trại đu đủ của ông đã nhận lấy toàn bộ thất bại. Và kế hoạch bán cây giống thay cho trái cây lúc đó cũng kết thúc trong hư vô.

Ông chia sẻ thêm: “Đối với táo, nếu đợi từ lúc cây con đến khi ra trái sẽ mất khoảng 1~2 năm, nhưng với loại cây sinh trưởng nhanh như đu đủ, thì chỉ sau khoảng vài tháng, cây sẽ cao khoảng 1~2m, còn trái thì lớn tầm cốc bia. Nhưng lúc đầu, người dân Hàn Quốc chả ai tin điều này cả. Bất đắc dĩ, tôi đành phát đu đủ giống miễn phí cho mọi người, giống như chương trình ăn thử trong siêu thị vậy”.
Nói thêm về đối tượng mà Mr.Hwang nhắm đến lúc này không phải là người dân đại chúng, mà chủ yếu ông hướng đến những chủ nhà vườn khác, những người đang canh tác trang trại.
Mãi đến khoảng 1 năm sau, mọi chuyện bắt đầu thay đổi tại trang trại đu đủ của Hwang trại chủ. Khi mọi người tận mắt nhìn thấy đu đủ lớn và ra trái trong thời gian rất ngắn, lúc này các đơn hàng mới bắt đầu đến. Xác nhận đúng đối tượng khách hàng, đưa ra chiến lược đúng đắn và kiên nhẫn đã đem đến cho ông thành công.

3. Thư giãn, trị liệu và những trải nghiệm đa dạng khác
Năm 2020, mặc dù mọi người vẫn e ngại Covid-19, thế nhưng lượng khách đến trang trại cũng đạt khoảng 7,000 người. Trong đó vẫn có những khách đến từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam. Khách tham quan trong nước chủ yếu đến vì hiếu kỳ hoặc xem đây như một biện pháp trị liệu tâm lý, còn những vị khách ngoại quốc thì mong muốn giải tỏa phần nào nỗi nhớ quê nhà.
Ông cũng mời gọi mọi người đến thăm trang trại, rồi thông qua các chuyến trải nghiệm họ được thấy lại những kỷ niệm tại quê hương. Thậm chí, trong số 30 loại trái cây tại đây, nếu khách tham quan thích thì họ cũng có thể hái mang đi. Việc kinh doanh hoa quả bắt đầu từ những lần cho hái mang đi như vậy, sau đó dần phát triển, đến nay thì doanh số từ việc bán trái cây đã trở thành nguồn thu lớn thứ 2, chỉ đứng sau doanh thu bán cây giống.

Dần dần, quy mô trang trại cứ tăng nhanh theo số lượng người đến thăm và như tốc độ phát triển của cây trồng, đến nay thì quy mô đã lớn đến mức không thể so sánh với quy mô lúc đầu được. Những năm đầu tiên, trang trại chỉ có 70 m², đến nay chỉ riêng diện tích phần nhà kính (khu trải nghiệm số 1 và khu nhà kính số 2) đã tới 3,300m², còn tổng diện tích trang trại lên tới 20,000m².
Nếu chỉ nhìn vào diện tích thì cũng thấy việc quản lí trang trại ở quy mô lớn thế này sẽ gặp không ít áp lực, thế nhưng mô hình của Hwang trại chủ thuộc dạng Smart farm, nên dù ở đâu, hay bất cứ lúc nào cũng đều có thể quản lí từ xa thông qua điện thoại. “Trước đây, một nông trường lớn thì sẽ có rất nhiều người làm thuê, nhưng trong thời buổi 4.0 như hiện nay thì nhân công là cần thiết nhưng không cần quá nhiều. Đồng thời, khi một nông trại càng lớn thì khả năng gánh lấy một khoản nợ lớn tương ứng cũng khá cao. Bởi ngày nay, so với việc mở rộng quy mô hay chăm sóc kỹ càng, thì quan trọng nhất vẫn là tìm cách để bán được hàng“.
Và nguyên tắc sống còn trong kinh doanh, dù sản phẩm bạn làm ra có tốt thế nào đi nữa nhưng không bán được hàng thì vẫn là thất bại.

Trong 10 năm qua, ông vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa giữ lập trường rằng phải luôn thay đổi phương pháp làm việc. Ông thường xuyên diễn thuyết cho các cơ quan, đoàn thể về nông nghiệp. Đa số khách tìm đến nông trại của ông là các đoàn thể nông nghiệp hoặc nông dân có mong muốn trồng các loại cây cận nhiệt đới. Hướng đi tương lai của ông là hướng tới một mô hình nông nghiệp giúp thư giãn, nghỉ ngơi cũng như đa dạng hóa các trải nghiệm khác.



Hết rồi, UncleThink hẹn gặp lại bạn trong bài viết tiếp theo nhé!